Các nghệ sĩ nói rằng cụm từ “ca sĩ hội chợ” không phản ánh đúng nghề nghiệp của họ trong mắt nhiều khán giả.
XEM THÊM :
Có những ý kiến cho rằng hội chợ là sân khấu “chuồng gà” – thấp nhất trong các hình thức show trình diễn. Kèm theo đó là những bình luận chê bai, thậm chí đánh giá thấp về các nghệ sĩ hát ở những sân khấu này.
Tuy nhiên, những người trong cuộc không ít lần lên tiếng phản bác, theo họ, mỗi sân khấu đều phục vụ đối tượng khán giả riêng, tùy vào khu vực và kinh phí tổ chức.
Mới đây, ca sĩ Du Thiên đã có chia sẻ về vấn đề này trong một talkshow. Nam ca sĩ bày tỏ bức xúc về những định kiến chưa đúng của khán giả về “ca sĩ hội chợ”. Anh khẳng định bản thân chưa bao giờ có quan điểm phân biệt là sân khấu này hát, sân khấu kia không hát.
“Tôi là một ca sĩ được học hành, trải qua trường lớp và đạt nhiều giải thưởng qua các cuộc thi. Tôi tự tin với năng lực chuyên môn của mình. Tuy nhiên tôi lại gắn một cái mác là ‘ca sĩ hội chợ’, bị soi mói, chỉ trích rất nhiều. Với tôi, hội chợ chỉ là một trong những sân khấu tôi tham gia biểu diễn thôi.
Người nghệ sĩ phải thích nghi được với mọi sân khấu, miễn sao có thể phục vụ khán giả, truyền tải được tình cảm của mình đến khán giả. Đó mới là điều quan trọng nhất”, ca sĩ Du Thiên nói.
Cách đây không lâu, giọng ca Lệ cay cũng khẳng định với chúng tôi về việc anh không chỉ hát ở hội chợ, mà cả đám cưới hay đám ma, anh vẫn nhận lời biểu diễn như thường.
“Tôi nói thật, có vài ca sĩ người ta gọi là ‘hạng A’ thế thôi chứ trình độ bằng một góc của tôi. Chẳng qua họ có truyền thông, có ê-kíp đẩy lên chứ thực chất tài năng không có, giọng hát quá thường, thậm chí có những người nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết. Thế mà là ca sĩ hạng A đó.
Tôi nói thật là có rất nhiều ca sĩ hiện tại như thế. Hơn nữa, nhiều người cứ cho rằng mình hạng sang chỉ hát ở sân khấu lớn, không chịu biểu diễn ở các sân khấu hội chợ. Ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, bà con còn nghèo lắm, người ta bỏ ra chục ngàn hay trăm ngàn đi xem show ca nhạc bình dân.
Không phải ai cũng có tiền bỏ vài triệu vào nhà hát lớn đâu. Đâu phải chương trình lớn nào cũng hợp với thị hiếu của người dân đâu”, nam ca sĩ thẳng thắn cho biết.
Cũng là một trong những ca sĩ quen mặt tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Trương Đan Huy cũng không tránh khỏi việc bị khán giả gắn mác “ca sĩ hội chợ”, “ca sĩ hát chuồng gà”.Thời hoàng kim, anh chạy nhiều show chỉ trong một ngày với mức cát-xê cao ngất ngưởng.
Giọng ca Dĩ vãng cuộc đời chia sẻ với chúng tôi: “Ca sĩ hội chợ là một cụm từ hơi nhạy cảm, thường được khán giả gọi cho thế hệ cùng thời tôi. Không những riêng tôi mà cả các bạn tầm tuổi tôi, nghệ sĩ nhỏ tuổi hơn cũng đều đi hát hội chợ mà.
Chỉ là người hát ít người hát nhiều thôi. Kể cả những tên tuổi lớn mà mình không tiện nói tên ra đây vẫn đứng trên sâu khấu hội chợ. Vậy họ có phải là ca sĩ hội chợ không? Tại sao lại gọi chúng tôi là ca sĩ hội chợ?
Với tôi, danh hiệu nào cũng không quan trọng. Miễn làm sao tôi biểu diễn tốt, khán giả yêu thương mình, miễn làm sao tôi không để xảy ra những điều không hay về nghề, thì mọi người gọi tôi là ca sĩ gì cũng được. Chỉ cần nơi nào có khán giả, tôi vẫn biểu diễn hết mình và vui vì điều đó”.
Châu Khải Phong nhận được nhiều sự quan tâm khi xuất hiện trong chương trình Ca sĩ mặt nạ. Khi lộ diện, giọng ca 8X vấp phải các ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Một số người cho rằng anh chỉ là “ca sĩ hội chợ”, không phù hợp tham gia chương trình.
Nói về vấn đề này, Châu Khải Phong cho biết: “Điểm xuất phát của tôi không quan trọng mà quan trọng nhất là sự cố gắng suốt nhiều năm vừa qua của tôi. Tôi là ca sĩ có đến 30 bài hit và không phải ca sĩ nào cũng có được điều đó”.
Nam ca sĩ khẳng định, mỗi nghệ sĩ sẽ có một thị phần khán giả riêng. “Tôi không quan trọng sân khấu như thế nào, khán giả trả bao nhiêu tiền, ở tỉnh hay ở thành phố, tôi chỉ biết nhiệm vụ duy nhất của tôi là mang âm nhạc phục vụ họ”, giọng ca Ngắm hoa lệ rơi bày tỏ.
Khi được hỏi ý kiến, ca sĩ Lâm Chấn Khang cho biết: “Tôi chỉ buồn những anh em đồng nghiệp và khán giả hiểu không đúng về cụm từ ‘ca sĩ hội chợ’ mà có sự phân biệt và kén chọn sân khấu. Tôi càng buồn hơi khi bị gọi là ca sĩ hát sân khấu chuồng gà.
Tại sao lại phân biệt sân khấu thành phố và tỉnh khi mà gạo mọi người ăn đều từ những người nông dân mà ra? Theo tôi, niềm vui của người ca sĩ là mỗi ngày được cầm mic, đứng trên sân khấu mang tiếng hát phục vụ khán giả”.
Về chuyện ca sĩ hội chợ thường bị gắn mắc ăn chơi, giang hồ…, giọng ca 8X khẳng định anh chưa từng nhận những bình luận như vậy.
Ca sĩ Châu Gia Kiệt từng tự tin khẳng định với chúng tôi, dù mang danh ca sĩ hội chợ, cát-xê anh nhiều năm qua vẫn luôn ở top cao trong nghề.